Điều kiện sống ở các trại Trại cải tạo lao động của Liên Xô

Điều kiện sống và làm việc trong các trại khác nhau đáng kể theo thời gian và địa điểm, trong đó tùy thuộc ảnh hưởng của các sự kiện lớn như (Thế chiến II, nạn đói và sự thiếu hụt trên toàn quốc, bất ngờ nhập hay thả số lượng lớn các tù nhân... Tù nhân tại các trại có điều kiện khó khăn thường phải đối mặt với tình trạng quá đông người, nhà ở cách nhiệt kém, vệ sinh kém, và chăm sóc sức khỏe không đủ. Các tù nhân ở các trại thuận lợi hơn thì có điều kiện sống tốt hơn, và được cung cấp thực phẩm và thuốc men ở mức cơ bản.

Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, đã giới thiệu thuật ngữ Gulag cho thế giới phương Tây với việc xuất bản năm 1973 cuốn tiểu thuyết của mình. Cuốn sách kết nối các trại rải rác thành "một chuỗi các hòn đảo" và mô tả một hệ thống Gulag, nơi điều kiện làm việc rất cực nhọc[10] Một số học giả đồng tình với mô tả của Solzhenitsyn[27][28] Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, tác phẩm của Solzhenitsyn đã được truyền thông phương Tây tích cực sử dụng như một vũ khí truyên truyền chống lại Liên Xô. Nhưng theo Natalya Reshetovskaya, vợ của Aleksandr Solzhenitsyn, cho biết trong cuốn hồi ký của mình rằng tiểu thuyết của chồng bà đã được sáng tác dựa trên "các câu chuyện được nghe kể bên đống lửa và các nguồn hỗn tạp". Theo bà kể lại, Solzhenitsyn không hề coi cuốn sách là một tác phẩm nghiêm túc về lịch sử, nó hoàn toàn trái ngược với sự thật khách quan. Truyền thông Phương Tây đã đánh giá cuốn sách này quá cao và thẩm định nó một cách sai lầm[29]. Tuy vậy theo nhiều ý kiến khác từ những người còn sống sót sau khi bị giam trong các trại gulag, và Kho lưu trữ Mitrokhin lại cho rằng những cuốn hồi kí của bà Natalya này chỉ là một phần trong chiến dịch làm mất uy tín Solzhenitsyn của KGB, do Yuri Andropov cầm đầu tiến hành vòa năm 1974 [30].

Kênh đào Biển Trắng (The White Sea - Baltic Canal) là dự án lớn đầu tiên được xây dựng ở Liên Xô sử dụng lao động trong các trại Gulag

Sự khác biệt trong điều kiện sống cho các loại tù nhân được minh họa trong hồi ký của Victor Herman. Ông sống trong các trại Burepolom và Nuksha 2, cả hai đều gần Viatka, ở phía bắc của Nga. Tại Burepolom có ​​khoảng 3.000 tù nhân, tất cả đều là tù nhân chịu án hình sự (trộm cắp, lừa đảo, cướp của...), họ có thể đi dạo theo ý muốn, được canh gác ở mức nhẹ nhàng, sống trong các doanh trại với nệm và gối, và được xem chiếu phim. Ở một số trại cũng cho phép tù nhân nghe hòa nhạc hoặc biểu diễn ca hát trong trại. Chỉ ở Nuksha 2, nơi giam giữ các tội phạm nghiêm trọng (giết người, gián điệp, phá hoại tài sản quốc gia...), tù nhân mới phải sống trong khu biệt lập với các tháp canh có súng máy và không cho phép thư từ. Cách bố trí này cũng giống với các trại giam thời nay (có khu giam giữ riêng dành cho tội phạm nghiêm trọng và khu giam giữ chung dành cho phạm nhân thông thường).

Mục đích của Gulag là để giáo dục phạm nhân bằng lao động. Do đó, hầu hết các tù nhân phải thực hiện các hình thức lao động sản xuất như chặt cây, xây nhà, làm đường, đào kênh mương... Các tù nhân có thể rút ngắn án phạt của họ bằng cách lao động vượt các chỉ tiêu công việc. Ví dụ, khi xây dựng kênh đào Baltic - Biển Trắng, 300 tù nhân đã được khen thưởng, 12.000 người được tha bổng, và 59.000 người đã bị giảm án nhờ lao động chăm chỉ trên công trường[31]. Hầu hết các tù nhân bị buộc phải thực hiện lao động chân tay thô bạo. Do tình hình dinh dưỡng và vệ sinh, điều kiện thời tiết và công việc, các loại bệnh tật như thương hàn, kiết lỵ, bệnh còi xương, Pellagra, ghẻ và bệnh quáng gà xảy ra thường xuyên. Về đông,khí hậu nước Nga rất lạnh, nên viêm phế quản và tê cóng là điều thường gặp. Ánh sáng lóe lên trong tuyết và băng đá có thể dẫn đến chứng quáng mắt hoặc thậm chí mù vĩnh viễn. Tại các trại miền Nam, nhiều tù nhân phải đối mặt với bệnh sốt rét do muỗi tại các khu rừng.[32]

Andrei Vyshinsky, Kiểm sát viên của Liên bang Xô viết, đã viết một bản báo cáo cho giám đốc NKVD Nikolai Yezhov năm 1938 tuyên bố:

Trong số những tù nhân có một số rất rách rưới và họ đặt ra một mối nguy hiểm vệ sinh với phần còn lại. Những tù nhân này đã ở trong tình trạng xấu đến mức trông không còn trạng thái của một người bình thường. Thiếu thức ăn, họ tuyệt vọng nhặt nhạnh những thứ như rác, và theo một số tù nhân, phải ăn cả những con chuột và những con chó hoang để sống.[33]

Những trại Gulag ở những vùng có khí hậu lạnh ít quan tâm đến việc tìm những tù nhân bỏ trốn vì bởi đằng nào họ cũng sẽ chết bởi bởi mùa đông lạnh giá. Chính quyền Gulag ở trung ương và địa phương thậm chí còn buộc các tù nhân phải thi hành lao động cưỡng bức ngay cả trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Vào mùa đông năm 1938/1939, nhiệt kế tại Kolyma đã báo nhiệt độ tụt xuống ngưỡng -60 độ, lúc ấy các tù nhân mới được triệu hồi vào trại. Trong một tài liệu có chữ ký của trưởng bộ phận hoạt động Gulag thuộc NKVD của Liên Xô vào năm 1942, một số trại giam như Khomyakov, Ukolov, Trofimov và Ovsyannikov đã gây ra những vụ đánh đập tù nhân tàn nhẫn. Nhiều tù nhân bị đưa ra đường phố trong tình trạng bán khỏa thân, bị trói vào cột đèn đường và phải chịu cái lạnh khủng khiếp trong nhiều giờ đồng hồ. Có những trường hợp một số tù nhân bị lột sạch quần áo và phải nằm trên tuyết lạnh [34]

Việc thiếu hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị, sự vô tổ chức nói chung và nạn đói của tù nhân dẫn đến nhiều tai nạn lao động. Tuy nhiên, đa số các trại giam không chỉ thiếu máy móc và công cụ mà còn thiếu hụt nghiêm trọng các nhân viên kỹ thuật và kỹ sư có trình độ [35].

Ngoại trừ các điều kiện bất thường (như Nội chiến Nga 1918-1920 và bạo động ở nông thôn 1930-31), phương pháp giam giữ tiêu chuẩn cho các tù nhân chống chế độ (cũng như đối với tội phạm thông thường) là tái giáo dục xã hội chủ nghĩa, phần lớn là nhờ lao động có năng suất. Đây là một thực tiễn tiêu chuẩn: những người bị kết án vào trại lao động cải tạo ở vùng sâu vùng xa của đất nước để trở lại vị trí cũ của họ (như các kỹ sư, các cán bộ đảng...) sau một khoảng thời gian[36]

Tất cả Gulag được đặt dưới sự chỉ huy của NKVD của Liên bang Xô viết. Điều kiện sống trong nhiều khu khá thuận lợi, giống như quản thúc tại gia hơn là nhà tù. Trong những nhà tù này, các tù nhân được tạo cơ hội kết hợp chặt chẽ với nhau, thảo luận về mọi vấn đề chính trị diễn ra trong nước. Các tù nhân đã được cấp quyền sử dụng không hạn chế đối với sách văn học, giấy viết, và nhạc cụ, quyền nhận không giới hạn số thư tín, điện tín, để có được hiệu ứng của riêng cá nhân của họ và giữ chúng trong các phòng giam của họ, và được nhận, cùng với khẩu phần ăn chính thức của họ, hàng gửi từ bên ngoài với bất kỳ số lượng nào và có chứa bất kỳ loại hàng hoá nào (tất nhiên là trừ những loại hàng cấm)[37]

Trong hai khu trại ở Moscow, Lubyanka và Butyrka còn có cả thư viện. Những thư viện này rất đa dạng, bao gồm các tác phẩm kinh điển, bản dịch, sách lịch sử, và các tác phẩm khoa học - có vẻ nhiều hơn hẳn so với các nhà tù ở Anh quốc, hoặc các bệnh viện và tàu du lịch. Thư viện ở Butyrka đặc biệt tốt, lý do là nó đã được sử dụng cho các tù nhân chính trị trong thời Sa hoàng, và các nhà xuất bản lớn đã luôn luôn cung cấp miễn phí các bản sao sách của họ cho các nhà tù. Sách của Lubyanka phần lớn là sách được lấy từ các tù nhân để chia sẻ cho bạn tù cùng đọc[38].

Vào tháng 5 năm 1934, các quyền dân sự đã được quy định cho phạm nhân, và từ tháng 1 năm 1935, phạm nhân có quyền tham gia bầu cử. Nếu tù nhân làm việc tốt và có kỷ luật, họ gần như có các quyền như những người lao động tự do. Điều kiện lao động trong các nhà tù được kiểm soát bởi cùng một bộ luật lao động áp dụng với người lao động tự do. Những người bị kết án lao động tại GULAG được hưởng hai tuần nghỉ phép mỗi năm sau 5 tháng đầu tiên. Tiền lương trả cho các tù nhân cũng giống như những người lao động ngoài xã hội, dù ít hơn khoảng 25%, dao động trong khoảng 50 đến 60 rúp/tháng (để khấu trừ cho chi phí quản lý tù nhân, cũng như để tránh việc có những người cố ý phạm tội để được vào Gulag nhằm kiếm mức lương cao hơn). Một phần tiền lương được phát cho tù nhân để họ chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân, một phần được đưa vào ngân hàng để khi ra trại, tù nhân sẽ có một số vốn nhất định để tái hòa nhập xã hội.

Một số trại Gulag thậm chí còn không khác gì so với một khu công nghiệp. Ví dụ như một trại Gulag bên ngoài Moscow, được gọi là Bolshevo. Được thành lập dành cho trẻ em vô gia cư, nó đã trở thành một trong những trại giam tiến bộ nhất cho những thanh thiếu niên phạm tội, cả nam lẫn nữ. Khu trại có 2000 tù nhân, không có các bức tường và với rất ít lính gác, các thanh thiếu niên học nghề cùng nhau, những người ngoài sẽ có cảm giác đó như là một làng công nghiệp tuyệt vời[39]

Nạn đói trầm trọng của năm 1931-1933 đã quét qua nhiều vùng khác nhau ở Liên bang Xô viết. Trong thời gian này, người ta ước tính có khoảng từ 6 đến 7 triệu người bị chết đói [40]. Ngày 7 tháng 8 năm 1932, một sắc lệnh mới được Stalin soạn thảo. Trong vài tháng, các vụ truy tố đã tăng gấp bốn lần. Nhìn chung, nửa đầu năm 1933 nhà tù đã thấy số lượng nhiều tù nhân mới đến hơn ba năm trước đó cộng lại.[41]. Tù nhân trong các trại thời kì này phải đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt. Một báo cáo của Liên Xô cho biết, vào đầu năm 1933, đến 15% số tù nhân tại Uzbekistan chết hàng tháng. Trong thời gian này, các tù nhân chỉ nhận được khoảng 300 calo (1,300 kJ) thực phẩm mỗi ngày. Nhiều tù nhân đã cố gắng chạy trốn, gây một sự bùng nổ các hành vi bạo lực, những người tìm cách bỏ trốn đều bị giết hại [42]. Thi thể của những tù nhân đã cố gắng để vượt ngục được trưng bày trong sân của trại, và các cai ngục sẽ hộ tống tù nhân đi xung quanh các xác chết như một lời cảnh báo. Cho đến năm 1934, thiếu lương thực và sự bùng phát các bệnh tật bắt đầu làm mất ổn định hệ thống Gulag. Mãi cho đến khi nạn đói chấm dứt hệ thống này bắt đầu ổn định hơn.

Các trại Gulag đã có một đóng góp đáng kể cho quá trình công nghiệp hóa và khai hoang các miền xa xôi của nước Nga. Ngày nay, nhiều thành phố công nghiệp vùng Bắc Cực của Nga như Norilsk, Magadan... có tiền thân chính là các trại Gulag trước đây. Tuy vậy theo bà Hannah Arendt, Liên Xô đã có thể hủy bỏ hệ thống trại cải tạo GULAG mà không gây nên hậu quả kinh tế nghiêm trọng, bà cũng cho rằng các trại giam Gulag không phải là nguồn lao động quan trọng và không có ảnh hưởng gì đáng kể đến nền kinh tế của Liên Xô [43]